Bán đảo Phương Mai và những ngôi chùa huyền bí


Bán đảo Phương Mai thuộc thành phố Quy Nhơn vốn là một vùng cát trắng xen kẽ những ngọn núi đá của đoạn cuối dải núi Triều Châu thuộc sơn hệ Trường Sơn, ở khoảng giữa địa giới tỉnh Bình Định; đoạn núi đá này, có những đỉnh cao hơn 100m trên mực nước biển, chạy lan ra biển Đông chừng hai cây số rồi từ đó bẻ hướng về phía Nam, rặng núi tiếp tục chạy lô xô trũng dần ở giữa rồi lại nhô cao ở phần cực Nam, trải dài chừng 15km song song với bờ biển, tạo thành một bức bình phong chắn gió cho đầm Thị Nại ở ven biển. Tuy được nối với đất liền nhờ đoạn cuối của dải núi Triều Châu, nhưng vì không có đường bộ để ra đến nơi, trong một thời gian dài, bán đảo Phương Mai vẫn được cư dân Bình Định coi là một hòn đảo, gọi là đảo yến. Quả vậy, hình thể núi non trùng điệp giữa biển của nơi này đã tạo thành những hang động thích hợp cho sự cư trú của loài chim yến. Các bô lão kể lại, khi thủy quân của Nguyễn vương Ánh bị quân Tây Sơn đánh tan tác trên đầm Thị Nại, tàn quân của chúa Nguyễn đã phải trốn tránh trong các hang núi và ghềnh đá ở Hòn Đen, một dải núi giữa bán đảo, rồi tình cờ phát hiện tổ yến. Tuy là một vùng núi non trùng điệp, nhưng ở sát chân núi và ở rìa các vách đá, nơi đây vẫn hình thành một vài thung lũng nhỏ hẹp đủ để quy tụ dân cư. Tài liệu cho hay sau khi người Pháp mở được cửa Quy Nhơn, cư dân người Việt đã tìm đến đây lập nghiệp; những người đầu tiên đến làm ăn sinh sống ở bán đảo Phương Mai vốn là dân gốc ở các tỉnh Nghệ An và Quảng Nam; họ đến để khai thác hải sản, làm nghề biển; và sau đó thấy đất đai có thể trồng trọt được nên cũng có người làm nghề nông. Ngày nay, bán đảo Phương Mai hoàn toàn thuộc địa giới hành chánh của thành phố Quy Nhơn với một đơn vị cấp phường là phường Hải Cảng và ba đơn vị cấp xã là các xã Nhơn Lý, Nhơn Hội, và Nhơn Hải.Chua Phương Mai
Cách đây không lâu, việc thông thương giữa thành phố Quy Nhơn với các địa phương ngoài bán đảo vẫn còn khó khăn, chỉ có thể đi lại bằng đường thủy. Cuối năm 2006, cầu Nhơn Hội vượt đầm Thị Nại dài hơn 3km đã kéo bán đảo Phương Mai đến gần hơn với người dân ở đất liền. Xã Nhơn Hải, ngày xưa có tên là xã Hương Mai, có mỏm Đông nam của bán đảo Phương Mai, gồm bốn thôn là Hải Giang, Hải Nam, Hải Đông và Hải Bắc, trước đây đã nổi tiếng nhờ sản phẩm ốc hương độc đáo và các hang động có tổ yến; từ khi có cầu Nhơn Hội, vùng đất này lại càng được biết đến qua các câu chuyện về những ngôi chùa huyền bí.
Nhiều người đã nói tới pho tượng Bồ – tát ở chùa “Phật Lồi” thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải. Theo truyền thuyết, vào khoảng đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 20, trong lúc đi làm ruộng, dân cư thôn Hải Giang phát hiện một pho tượng bằng đá từ dưới đất lồi lên trên mặt ruộng ở dưới chân đồi gần bàu nước sát dãy núi Mai. Họ thỉnh pho tượng về và chung nhau dựng một ngôi chùa để tôn trí pho tượng. Căn cứ vào danh sách tự viện tỉnh Bình Định được tải trên trang mạng của tổ đình Long Khánh thành phố Quy Nhơn thì ngôi chùa có thờ tượng “Phật Lồi” này chính là chùa Linh Sơn được xây dựng vào năm 1913; vào năm 1940, chùa Linh Sơn đã được trùng tu lần đầu. Theo các bài ký được một số tác giả gần đây ghi lại thì pho tượng ở chùa Linh Sơn thôn Hải Giang là một tác phẩm điêu khắc Chăm – pa tạc bằng sa thạch thể hiện một vị Bồ – tát ngồi trong tư thế thiền định, chân xếp bằng theo thế kiết – già, tay phải lần tràng hạt, bàn tay trái đặt ngửa trên hai chân. Tượng có gương mặt trầm tư nhìn thẳng, cằm nhọn, trán cao, mắt nhỏ, miệng rộng; gương mặt có hàng ria mép dầy, râu dài được vuốt nhọn, đầu đội mũ trụ cao có hoa văn, trán có ba vạch song song; điểm đặc biệt là lưng tượng liên kết với một tấm bia hình ngũ giác có khắc 12 dòng chữ Phạn. Các tác giả này cho biết hiện nay chùa Linh Sơn chưa có người trụ trì; việc trông nom ngôi chùa và giữ gìn pho tượng vẫn do dân chúng thôn Hải Giang đảm trách.Chua Phuong mai
Một pho tượng khác cũng được người dân ở xã Nhơn Hải phát hiện, thỉnh về, rồi xây chùa để thờ, nhưng pho tượng này lại được ngư dân thôn Hải Nam tìm thấy khi đi biển. Truyền thuyết cho biết vào khoảng cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 20, một ngư dân thôn Hải Nam trong lúc kéo lưới thì thấy lưới bị vướng không thể kéo lên được. Sau khi khấn vái thì lưới không bị vướng nữa, nhưng ông này lại kéo lên được một tảng đá màu có hình dạng như một pho tượng Phật ngồi với hai chân xếp bằng mà đường nét không thể hiện rõ là tượng của vị Phật hay Bồ – tát nào. Được tin, dân làng đã cùng với người ngư dân nọ đưa pho tượng về thôn; sau đó dân làng bàn nhau xây một ngôi chùa để tôn trí pho tượng và thuê thợ khéo đắp thêm xi – Chua Phuong MAimăng với mục đích thể hiện một pho tượng hoàn chỉnh để thờ. Ban đầu tập thể dân làng quyết định đắp tượng theo hình ảnh của Phật A – di – đà, nhưng xi – măng đắp lên tảng đá ấy cứ trôi tuột đi. Tiếp theo, dân làng bàn với nhau đắp tượng theo hình thức tượng Đức Phật Thích Ca nhưng cũng không có kết quả. Cuối cùng, khi họ quyết định đắp thành tượng ngài Bồ – tát Quán Thế Âm thì công việc tiến triển bình thường và sau một thời gian thi công, pho tượng đã hoàn thành, thể hiện hình ảnh ngài Bồ – tát Quán Thế Âm ngồi ở tư thế thiền định với gương mặt tỏa sáng nét từ bi. Pho tượng liền được tôn trí trong chánh điện của ngôi chùa. Về sau, khi được các bậc tôn túc hướng dẫn về cách bài trí điện Phật; các vị trong ban hộ tự đã vận động dân làng tiến hành tạc thêm một pho tượng Đức Phật Thích Ca rồi tôn trí ở tầng cao nhất trong ngôi chánh điện; chuyển pho tượng Bồ – tát Quán Thế Âm xuống một vị trí thấp hơn ở phía trước. Cũng theo danh sách tự viện Phật giáo tỉnh Bình Định được tải trên trang mạng của tổ đình Long Khánh, thì chùa Hương Mai được xây dựng vào năm 1920 với mục đích thờ tượng Phật được từ biển. Tài liệu này cũng cho biết ngôi chùa đã được trùng tu hai lần, lần đầu vào năm 1960, lần sau vào năm 2006 và tổ khai sơn chùa Hương Mai là Hòa thượng Thích Tâm Hoàn (1924 – 1981), trụ trì tổ đình Long Khánh. Theo hành trạng của ngài Tâm Hoàn thì trong thời gian đảm nhiệm công tác đào tạo tại Phật học viện Nguyên Thiều, ngài có ra tới chùa Hương Mai; sau đó, khoảng thập niên 1970, ngài thường xuyên đến giảng pháp và truyền giới tại gia cho hàng cư sĩ ở bán đảo Phương Mai. Có lẽ vì vậy mà ngài được tôi là vị tổ khai sơn của chùa. Việc trông nom chùa trong một thời gian dài là do các ban hộ tự của chùa chia nhau đảm trách. Từ khi khu kinh tế Nhơn Hội được khởi công xây dựng cùng với việc thi công cầu vượt đầm Thị Nại, lãnh đạo Tỉnh giáo hội Phật giáo Bình Định đã quan tâm đến chùa Hương Mai và, đến năm 2005, đã cử một vị Đại đức về làm trụ trì; đó là Đại đức Thích Quảng Thức.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan chùa, vị Đại đức trẻ xác nhận chính mình cũng chỉ được biết về những truyền thuyết liên quan đến pho tượng Bồ – tát Quán Thế Âm của chùa qua lời kể của các vị bô lão và qua việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo tỉnh nhà. Thầy cũng công nhận rằng truyền thuyết đem lại vẻ lung linh cho ngôi chùa và góp phần hấp dẫn khách hành hương, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố không thể lý giải hết được. Dù sao thì những truyền thuyết này cũng đã tồn tại gần trăm năm. Thầy cũng cho biết, trong đợt trùng tu vào năm 2006, chùa đã mở rộng quy mô xây dựng lên rất nhiều so với trước. Về cảnh quan, chùa vẫn giữ lại được không gian vườn chùa với những cây cổ thụ; tuy nhiên, về phương diện trang trí và kiến trúc, công cuộc trùng tu cũng có những chi tiết chưa được ưng ý về mỹ thuật tôn giáo. Sắp tới, khi có điều kiện, việc xây dựng sẽ phải chú trọng nhiều hơn đến yếu tố hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phải tận dụng được vị trí lưng tựa núi mặt nhìn ra biển của ngôi chùa, và phải bảo đảm những tiêu chí về mỹ thuật tôn giáo với màu sắc u nhã để khách hành hương dễ lắng tâm.
Với lợi thế về địa điểm, trong điều kiện xã Nhơn Hải đang được đầu tư để phát triển du lịch, ở một tương lai không xa, chùa Hương Mai có thể trở thành một nơi du lịch tâm linh lý tưởng cho khách thập phương. Đến chùa Hương Mai, những truyền thuyết về một vùng đất lâu nay chứa đựng nhiều kỳ bí sẽ được giải mã khiến khách hành hương càng kính ngưỡng lẽ huyền vi của đất trời. Vào lúc trời chiều, tiếng chuông chùa ngân vang trong cảnh sắc hùng vĩ của núi của biển càng làm cho người con Phật hiểu được thân phận nhỏ nhoi của kiếp người, chỉ nhờ uy đức của hải triều âm mà nâng tâm thức lên đến chỗ tự tại vô cùng trước sự tịch diệt.

Dương Ngọc Chánh

No comments:

Post a Comment

Instagram