Bảo tàng Quang Trung-Bảo tàng tâm linh

Hình thành trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn là khu Bảo tàng Danh nhân lớn nhất cũng là một trong những bảo tàng thu hút lượng khách đến tham quan du lịch học tập nhiều nhất trên đất nước ta hiện nay. Đây sẽ là một trong những địa điểm chính của Festival Tây Sơn – Bình Định 2008.

Rưng rưng bến sông, cây me, giếng nước
Ai đến với Phú Phong, nhẹ bước trên cầu Kiên Mỹ bắc qua con sông Kôn nổi tiếng để đến với Bảo tàng Quang Trung, cũng có thể cảm nhận được linh khí núi sông của vùng đất từng sinh ra những anh hùng áo vải Tây Sơn.  Không phải ngẫu nhiên Bảo tàng Quang Trung bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc ở Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Với 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung được coi đang sở hữu một kho tư liệu, hiện vật giàu có, phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc. Đây là thành quả một quá trình nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng trong hơn 30 năm qua, kể từ ngày thành lập 1977. Bước chân của họ đã đi khắp đất nước, ra cả nước ngoài để tập hợp về đây tất cả những tư liệu hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn và vua Quang Trung. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn…Nhiều hiện vật trong số này được nhân dân Bình Định và nhiều địa phương trong cả nước lưu giữ tặng lại bảo tàng, cũng có một số hiện vật đến thông qua đại sứ quán các nước bạn mà Bảo tàng nhờ cậy. Tuy vậy, thật xúc động là khi ta được tận mắt di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông cuộn nước, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn. Càng xúc động hơn là được đứng dưới bóng me cổ thụ từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um và được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng nhà Nguyễn Huệ. Những ngụm nước như kéo gần lại hơn 200 năm lịch sử và ta như thấy Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở vừa từ Điện thờ bước ra, đến chia cùng ta gàu nước được kéo lên từ cái giếng đá ong thân thiết của họ.

Bảo tàng Quang Trung
Nhạc, võ, hai trong một
Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể lớn của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn là những người có vai trò rất to lớn khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Tương truyền, Nguyễn Huệ sáng tạo Yến phi quyền, Độc lư thương, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền, được coi là những độc chiêu của võ thuật Binh Định. Cũng chính Nguyễn Huệ đã chủ trương hình thức đưa nhạc trống vào khích lệ ba quân chiến đấu, còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung.
Bởi vậy, nhà biểu diễn võ, nhạc và đội biểu diễn nhạc, võ đã trở thành một phần không thể thiếu của Bảo tàng Quang Trung. Các buổi biểu diễn nhạc, võ bao giờ cũng là một final bất ngờ và kỳ thú với du khách. Tại đấy, người ta sẽ khám phá ra ở cái xứ được gọi là đất võ trời văn này, nhạc và võ chỉ là một, trong nhạc có võ, võ cũng đầy chất nhạc, những người biểu diễn quyền cước, binh khí và kèn trống kia khó phân biệt ai là nghệ sĩ còn ai là võ sĩ. Chỉ có thể gọi họ bằng một cái tên: những nghệ sĩ –võ sĩ. Những người này đã giúp ta hiểu: võ thuật ở tầm cao và chiều sâu của nó, chính là văn hóa là nghệ thuật, và nghệ thuật, văn hóa có thể và cần phải song hành với võ công để lập nên những kỳ tích cho non sông, đất nước. Mà hình như đó là di huấn từ cuộc đời 39 mùa xuân của người anh hùng kiêm tài văn võ Nguyễn Huệ, bậc đại trí, đại dũng, đại nhân trong lịch sử dân tộc.
Chị Võ Thị Thuận,  người nghệ sĩ từng làm rung động lòng người với dàn trống trận 12 chiếc tại Bảo tàng Quang Trung và nhiều nơi trong và ngoài nước, là người nối nghiệp của một gia đình từng 9 đời đánh trống trận Tây Sơn. Hiện chị Thuận cũng đã tìm được người kế nghiệp là Phan Thị Mai, năm nay vừa tuổi hai mươi. Thăm Bảo tàng Quang Trung cuối tháng 3.2008, tôi đã được xem Mai biểu diễn, tuy chưa uyển chuyển, vũ bão như chị Thuận nhưng cũng sôi động, hào khí lắm. Có thể nói, nếu không có Bảo tàng Quang Trung, rất có thể di sản trống trận Tây Sơn đã bị tuyệt tích. Mà đó là loại di sản có một không hai, theo như một nhạc sĩ nghiên cứu về loại nhạc độc đáo này thì nó hoàn toàn xứng đáng được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Dễ hiểu vì sao Bảo tàng Quang Trung là bảo tàng duy nhất ở nước ta có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong biên chế của mình, chuyên biểu diễn nhạc, võ.
Bảo tàng tâm linh, nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc
Bảo tàng Quang Trung chính thức thành lập năm 1977, cho đến nay đã 30 tuổi. Tuy vậy, tiền thân của nó, đền thờ Tây Sơn thì đã hơn 200 năm tuổi. Năm 1827, sau 25 năm nhà Tây Sơn sụp đổ và bị trả thù, truy quét hiểm ác, dai dẳng, bị tìm mọi cách bôi nhọ và xóa trắng mọi dấu tích, bất chấp sự cấm đoán hà khắc của nhà Nguyễn, trên nền nhà, vườn cũ của anh em Nguyễn Huệ, lúc ấy đã thành bãi đất hoang, người dân làng Kiên Mỹ âm thầm xây lên một ngôi đình để thờ ba anh em Tây Sơn mang tên "đền Kiên Mỹ". Từ đó, tại đây hàng năm diễn ra hai dịp lễ vào cuối tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đó là hai ngày trọng đại nhất của nhà Tây Sơn: ngày Quang Trung đăng quang trên núi Bân và ngày đại thắng Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Thanh. Người dân Kiên Mỹ đã phải che mắt nhà Nguyễn khi gọi đây là những ngày "cúng cơm mới". Hai ngày lễ trọng tại đền Kiên Mỹ ấy kéo dài liên tục hơn trăm năm, không chỉ thu hút người Kiên Mỹ, Tây Sơn mà ngày càng có nhiều người thập phương tìm đến. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", ngôi đền ấy đã thành ngọn đuốc và những ngày lễ nhớ Tây Sơn tạm đứt đoạn.
Đến những năm 1960, đền thờ Tây Sơn được tạo dựng trên nền đất cũ. Ngay lập tức, đây lại thành một điểm quy tụ bốn phương. Rất tự nhiên, hàng năm, cứ đúng vào ngày 5 tháng Giêng, ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, hàng vạn người lại hành hương về đây, cùng nhân dân Kiên Mỹ, Tây Sơn làm nên một lễ hội lớn tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Huệ, niềm tự hào lớn lao của mỗi con người Việt Nam dù ở bất cứ phương trời nào. Có ai đó đã từng nói, người Pháp hằng hãnh diện về Napoleon Bonaparte, thiên tài quân sự đã chinh phục cả Âu Châu, làm rạng danh nước Pháp. Người Mỹ cũng rất tự hào khi có nhà chính trị thiên tài George Washington, vị tổng thống lỗi lạc đã đưa đất nước Hoa Kỳ đến bến vinh quang. Thì người Việt Nam càng có quyền tự hào về vua Quang Trung, người gồm có cả thiên tài quân sự Napoleon và thiên tài chính trị Washington và đã bách chiến bách thắng trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước vĩ đại của mình.
Chưa có được một Khải hoàn môn hoành tráng tưởng niệm Napoleon như người Pháp đã dựng ở trung tâm Paris, sự hình thành đền thờ Tây Sơn 200 năm trước và Bảo tàng Quang Trung 30 năm gần đây là sự thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ, niềm tự hào lớn lao, không chỉ của người dân Bình Định mà còn của nhân dân cả nước với một con người Việt Nam tuyệt vời. Đây chính là một bảo tàng tâm linh, bảo tàng của lòng người.
Không có gì lạ khi trong 30 năm qua, Bào tàng này đã có những phát triển vượt bậc trong sự quan tâm chăm sóc, ủng hộ hết mình của Đảng, chính quyền, nhân dân Kiên Mỹ, Tây Sơn, Bình Định, thủ đô Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Tỉnh Gia Lai tặng một ngôi nhà rông Bana, nhiều doanh nhân đã tài trợ xây tượng đài Quang Trung, tượng Tây Sơn tam kiệt và sáu văn thần, võ tướng thời Tây Sơn, phục chế và mua một số hiện vật quý...Bảo tàng đang ngày càng to đẹp, khang trang, hiện vật tư liệu ngày càng phong phú, các lễ hội Đống Đa mỗi năm ngày càng đông vui bội phần. Ý tưởng về một Festival Tây Sơn – Bình Định với chủ đề hội tụ và phát triển đã được hình thành trong suy tư của đồng chí Vũ Hoàng Hà, hiện là Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh, khi tham dự các lễ hội kỷ niệm đại thắng Đống Đa tại Bảo tàng…
Đầu tháng 8 tới, Festival Tây Sơn – Bình Định 2008 mà người Bình Định chờ mong và dốc sức thực hiện sẽ được bắt đầu từ đây với lễ rước và dâng hương, dâng hoa vua Quang Trung và các anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn. Anh hoa và hào khí của Tây Sơn – Nguyễn Huệ lại sẽ tỏa sáng rực rỡ, tạo nên niềm tin lớn, sức mạnh lớn trong quyết tâm bứt phá, hội tụ và phát triển vì một tương lai giàu đẹp của quê hương. Nguyễn Huệ đã từng nói cùng ta: không có gì là không thể…

Dương Ngọc Chánh

No comments:

Post a Comment

Instagram