LỄ HỘI CẦU NGƯ

       Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân ven biển từ Quảng Bình đến Nam Bộ. Ở Bình Định, lễ hội cầu ngư có hầu hết các vùng ven biển ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP.Quy Nhơn và thường được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch.
      Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong thời gian 03 ngày đêm. Ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần. Ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Ngày thứ ba là phần hội gồm có: Chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, phần này có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.


Lễ hội cầu ngư góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân, là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc. Các sinh hoạt văn hóa trong lễ hội đã đem lại niềm vui, sự hưng phấn cho ngư dân, tạo tâm thế vững tin vào vụ mùa đánh bắt mới. Mặt khác, đây còn là dịp để cộng đồng tri ân với thần linh, với thế hệ tiền nhân đi trước, những người có công trong việc phát triển nghề cá, đồng thời là dịp hội ngộ bằng hữu xóm làng.

Dương Ngọc Chánh

No comments:

Post a Comment

Instagram